Biệt thự bỏ hoang: Đánh thuế cao là một đề xuất hợp lý
Tóm tắt tin: Hiện trạng nhiều dự án bất động sản, khu đô thị, nhà liền kề, biệt thự trong tình trạng đã xong phần xây thô, bị bỏ hoang trong suốt thời gian dài, đã gây ra sự nhếch nhác, mất an ninh, an toàn đô thị. Giải pháp đánh thuế cao với những biệt thự, nhà liền kề không đưa vào sử dụng là một trong những đề xuất hợp lý.
Nội dung tin: Bị đẩy giá Anh Hoàng Phương - một nhà đầu tư tại Hà Nội - tranh thủ đi xem liền kề tại khu Tây Hà Nội, với mong muốn sở hữu để cho thuê kiếm lời. Tuy nhiên, vì giá cả ở nhiều dự án tăng mạnh khiến cuộc tìm kiếm của anh thất bại. "Tôi phát hoảng khi được biết giá liền kề, biệt thự thời điểm hiện tại. Nhiều căn từ cuối năm ngoái tới nay đã tăng đến vài tỉ đồng. Kế hoạch của tôi đang phải tạm gác lại vì giá biệt thự, liền kề liên tục tăng với tốc độ chóng mặt và biên độ tăng rất lớn" - anh Phương nói. Thực tế, ngay dịp sát Tết, nhu cầu tìm mua phân khúc này rất lớn dù mức tăng của phân khúc này vừa qua đã rất cao. Tuy nhiên, thực tế khi thị trường bị đẩy giá, nhiều nhà đầu tư cũng run tay không dám đu đỉnh. Ông Matthew Powell - Giám Đốc, Savills Hà Nội - đưa ra khuyến cáo, với áp lực tăng giá cùng tỉ lệ lạm phát tăng cao trong khi tín dụng bị thắt chặt có thể sẽ khiến hoạt động thị trường bất động sản chậm lại trong ngắn hạn. Trong báo cáo thị trường biệt thự, liền kề Hà Nội quý I/2022 của Savills cho thấy, giá bán sơ cấp trung bình của biệt thự đạt 134 triệu đồng/m2 đất, giảm 26% theo quý, nhưng tăng 30% theo năm. Giá trung bình của nhà liền kề là 185 triệu đồng/m2 đất, tăng 8% theo quý và 73% theo năm. Với nhà phố, giá trung bình khoảng 323 triệu đồng/m2 đất, tăng 35% theo quý và 79% theo năm. Lý giải việc tăng giá liền kề, biệt thự, bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu Hà Nội thuộc Savills cho rằng, phân khúc biệt thự, liền kề vẫn có thể sẽ được quan tâm nhiều trong năm nay. Tuy nhiên, theo bà Hằng, cần phải có những đánh giá thực tế đó là sản phẩm gì bởi nếu dự án tăng mạnh quá thanh khoản sẽ giảm. Trong khi đó, nói với Lao Động, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội - cho rằng, thời gian qua bất động sản đang có hiện tượng bị đẩy giá. Ghi nhận tại nhiều phân khúc trong đó có phân khúc biệt thự, liền kề cho thấy tình trạng giá tăng mạnh đã tạo cơ hội cho một bộ phận đầu cơ tham gia phát triển thị trường vì vậy nhà đầu tư cần tỉnh táo trước cơn "sốt giá" của thị trường. Ông Điệp nhận định, tình trạng bỏ hoang ở các khu đô thị vùng ven đô là do phần lớn người mua nhà để đầu cơ, không phải mua để ở. Vì thế, nguy cơ các KĐT này không có người ở thật là rất cao, đẩy đến nỗi lo ngại hình thành nên những "thành phố ma". "KĐT bỏ hoang không chỉ lãng phí đầu tư mà còn làm hỏng bộ mặt đô thị, kìm hãm sự phát triển của địa phương…Vì vậy, các chủ đầu tư hiện nay cần cùng các địa phương quy hoạch bài bản, kết nối giao thông thuận tiện. Các chủ đầu tư muốn KĐT sống thì cần xây dựng trước các tiện ích như siêu thị, trường học, bệnh viện… Giá bán phải hợp lý để thu hút được người dân tới sinh sống, an cư lâu dài" - vị chuyên gia này nói. "Găm" để đầu cơ Trong khi đó, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản ở Hà Nội phân tích: Cách đây khoảng 5-10 năm, giới đầu cơ vào phân khúc biệt thự, nhà liền kề được chia làm 2 nhóm: Một nhóm đầu tư chờ thời cơ bán kiếm lời (chiếm khoảng 30%); nhóm còn lại đầu tư để tích trữ tài sản, dành cho con cái sau này hoặc để về hưu ở, cho thuê thu lợi nhuận (chiếm 70%). Sau đó, thị trường bất động sản đi xuống, giá nhà đất giảm nên các nhà đầu tư không muốn bán. "Ngày trước, các chủ đầu tư làm phân khúc này chủ yếu tập trung vào sản phẩm nhà ở, không chú trọng đến việc cung cấp các tiện ích sống như không gian cảnh quan, khu vui chơi, trung tâm thương mại… Hiện nay, nhiều khu đô thị mới mọc lên với đầy đủ tiện ích, không gian xanh khiến cho giao dịch mua bán tốt hơn các KĐT cũ" - vị này nhấn mạnh. Chuyên gia bất động sản Trần Minh chỉ ra, hiện phân khúc biệt thự, nhà liền kề chia thành 2 dạng: Một dạng chưa hoàn thành hạ tầng (điện - đường - trường - trạm) khiến khách hàng không thể về ở; Dạng còn lại là đã đủ hạ tầng rồi nhưng chưa có các tiện ích, kết nối với người dân xung quanh (trung tâm thương mại, khu vui chơi…). Khách mua nhà dạng này chủ yếu để về ở dịp cuối tuần hoặc về hưu mới ở hẳn. Do đó, dẫn tới tình trạng "vườn không, nhà trống". Chia sẻ thêm với PV, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) cho rằng, các bất động sản như biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang ảnh hưởng xấu đến cảnh quan đô thị, nhếch nhác, thậm chí trở thành tụ điểm của các phần tử xấu, các tệ nạn xã hội. Vì vậy, làm thế nào để đưa những tài sản đó vào sử dụng và phát huy hiệu quả là vấn đề quan trọng. Theo ông Thịnh, có ý kiến cho rằng, họ có tiền họ đầu tư thì việc có sử dụng hay không là việc của họ. Nhưng ta phải nhìn thấy một vấn đề là sự nhếch nhác, mất an ninh, an toàn của đô thị là vấn đề lớn. Đây cũng là nguồn lực của xã hội mà cần thiết phải đem lại hiệu quả để làm cho nguồn vốn của xã hội được sử dụng một cách tốt nhất. "Tôi cho rằng trước đây đề xuất giải pháp đánh thuế cao với những biệt thự, nhà liền kề không đưa vào sử dụng là một trong những đề xuất hợp lý. Nhưng chúng ta phải đánh thuế cao, cao hơn mức cho thuê nhà, có thể cao gấp đôi mức cho thuê nhà" - PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nêu rõ.
---
Đây là tin đăng từ nguồn: https://laodong.vn/bat-dong-san/biet-thu-bo-hoang-danh-thue-cao-la-mot-de-xuat-hop-ly-1042667.ldo - Báo Lao Động
Ngày đăng báo: Thứ hai, 09/05/2022 08:31 (GMT+7)
Chủ đề bài đăng gửi: Bất động sản
Từ khóa bài đăng: ['Biệt thự bỏ hoang', 'đề xuất', 'Đánh thuế cao', 'An toàn đô thị']
---
Tin được gửi bởi hệ thống đăng bài tự động của Website đăng tin bất động sản miễn phí - bannhamienphi.com - diaocdunggia.com