Hãm đà tăng giá nhà, đất: Khó hiệu quả nếu chỉ có giải pháp về thuế
Tóm tắt tin: Các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, giá bất động sản (BĐS) sốt, nóng như hiện nay là hiện tượng xảy ra có tính chu kỳ, tạm thời, còn thuế là công cụ dài hạn và tác động thường đi sau. Chính vì vậy, cần phải có các biện pháp đồng bộ, nhất quán và mang tính chiến lược thay vì chỉ trông chờ vào giải pháp về thuế.
Nội dung tin: Thuế không phải là "chìa khóa vạn năng" Một khảo sát hồi tháng 3.2022 của Bộ Xây dựng cho thấy, giá giao dịch BĐS bình quân toàn thị trường đều ở trong xu hướng tăng. Điển hình như tại Hà Nội, căn hộ chung cư tăng 1,53%, nhà ở riêng lẻ tăng 2,24%, đất nền cho xây dựng nhà ở tăng 2,85%. Tại TPHCM, căn hộ chung cư tăng 2,48%, nhà ở riêng lẻ tăng 2%, đất nền cho xây dựng nhà ở tăng 3,6%... Trong bối cảnh đó, việc xem xét thu thuế BĐS được đưa vào tầm ngắm và được người dân, nhà quản lý ủng hộ nhằm kìm hãm đà tăng nhà đất. Tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng, thuế không phải là yếu tố mấu chốt quyết định sự tăng giảm giá BĐS. Việc kìm hãm đà tăng giá nhà đất cần phải giải pháp đồng bộ, nhất quán, thậm chí phải có chiến lược… Ở mỗi quốc gia đều có một quy định về thuế BĐS khác nhau, hoặc đánh thuế BĐS rất cao đi kèm với các loại thuế liên quan đến nhà đất, hoặc không đánh thuế BĐS mà chỉ đánh thuế trước bạ và thuế trên thặng dư vốn… Ông Trần Minh - chuyên gia BĐS nêu ví dụ như ở Anh, thị trường hơn 30 lần khủng hoảng về giá, họ có những mức thuế đánh dựa trên giá trị tài sản, từng bậc giá có từng mức thuế khác nhau. Thuế còn tính dựa trên quá trình khai thác tài sản đó. Khi mua căn nhà thứ 2 họ cũng đánh thuế cao hơn căn nhà thứ nhất tới 3 - 5 lần. Hay ở Pháp đánh thuế BĐS với cả chủ nhà và người đi thuê; Hàn Quốc có sự phân chia các loại hình BĐS khác nhau sẽ có mức thuế khác nhau, Singapore đánh thuế cao với tài sản thứ 2 và lũy tiến tăng dần với các tài sản tiếp theo… Theo ông Minh, phần lớn các quốc gia đều xem trọng yếu tố khai thác tối ưu giá trị của tài sản. Còn ở Việt Nam, sau khi mua xong, chủ sở hữu không phải chịu thêm khoản phí nào từ việc khai thác, vận hành. Ông Nguyễn Văn Phụng - Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Bộ Tài chính) cho biết, giá BĐS sốt, nóng là hiện tượng xảy ra có tính chu kỳ, tạm thời, còn thuế là công cụ dài hạn và tác động thường đi sau. Vì vậy, không thể dùng công cụ thuế ở thời điểm hiện tại để hạ giá BĐS đang sốt nóng. Theo ông Phụng, nếu có ban hành các quy định mới về thuế cũng phải tới kỳ sau mới áp dụng và sau 1 năm triển khai mới tác động lên thị trường. Thuế không phải là chìa khoá vạn năng và cũng không nên nghĩ tới thuế như một giải pháp tức thời để giải quyết những vấn đề ngắn hạn nảy sinh trên thực tiễn. Việc thay đổi một chính sách thuế sẽ có tác động rất lớn tới kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn cho rằng, trước khi đề xuất hoặc xem xét thay đổi bất cứ quy định nào liên quan tới thuế cần được đánh giá trên nhiều bình diện khác nhau để nhận thức đúng và đủ về tác động của nó rồi mới có thể đưa vào luật. Giải quyết cung - cầu Chia sẻ với Lao Động, chuyên gia về thuế, TS Nguyễn Ngọc Tú - Giảng viên trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho hay, vấn đề của thị trường hiện nay là cần giải được bài toán cân bằng nguồn cung nhà ở giữa các loại hình. Đa dạng nhà ở tại nhiều phân khúc sẽ giúp thị trường giải bài toán giá. Còn nếu vấn đề này không được giải quyết, các biện pháp tài chính cũng chỉ là để tác động lên một vài nhóm tài sản nhất định. TS Tú nói, việc đánh thuế BĐS cần xem xét trên lộ trình dài hạn. Thuế có thể đơn giản chỉ là cần tăng nguồn thu để tạo công bằng. Song phải lưu ý thuế BĐS có hiệu ứng phụ nếu không lường trước được sẽ gây ra hệ lụy. "Có thể đột nhiên thu nhập của một bộ phận người dân bị co lại, như vậy tổn thất chung của nền kinh tế lớn hơn lợi ích mang lại từ thuế. Do đó, thuế phải được xây dựng một cách khoa học, cần có những đánh giá tác động đến chi tiêu xã hội", vị này nhấn mạnh. Trong khi đó, ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam - cho rằng, việc đánh thuế BĐS trong ngắn hạn sẽ mang lại tác động tích cực về điều tiết thị trường, giảm tình trạng đầu cơ, chôn tiền và lãng phí tài nguyên đất. Tuy nhiên thuế khó trở thành yếu tố tiên quyết để điều tiết đà tăng giá của BĐS. Từ trước đến nay, việc tăng giá nhà đất không chịu ảnh hưởng từ thuế nên dùng giải pháp thuế để chống đầu cơ không phải là gốc của vấn đề bởi giá nhà vẫn sẽ tăng trong dài hạn ngay cả khi đánh thuế.
---
Đây là tin đăng từ nguồn: https://laodong.vn/bat-dong-san/ham-da-tang-gia-nha-dat-kho-hieu-qua-neu-chi-co-giai-phap-ve-thue-1045684.ldo - Báo Lao Động
Ngày đăng báo: Thứ ba, 17/05/2022 08:16 (GMT+7)
Chủ đề bài đăng gửi: Bất động sản
Từ khóa bài đăng: ['Giá nhà đất']
---
Tin được gửi bởi hệ thống đăng bài tự động của Website đăng tin bất động sản miễn phí - bannhamienphi.com - diaocdunggia.com